Địa lý Trà Cú

Trà Cú nằm cách thành phố Trà Vinh 33 km đường lộ trên tuyến quốc lộ 53 và 54. Đây là tuyến vận tải hàng hóa quốc tế qua cửa biển Định An, có vị trí địa lý:

Huyện có đông đồng bào Khmer đông nhất tỉnh, chiếm 60% dân số so với dân số toàn huyện, chủ yếu sinh sống ở các xã vùng sâu, vùng xa.

Điều kiện tự nhiên

Trà Cú mang đặc điểm địa hình rõ nét của vùng đồng bằng ven biển, địa hình huyện có nhiều giồng cát hình cánh cung song song với bờ biển, có cao trình cao trên 2m. Cao trình bình quân phổ biến từ 0,4m đến 0,8m so với mặt nước biển, cao trình tháp phân bố rải rác ở các xã Đại An, Đôn Châu, Ngãi Xuyên, Ngọc Biên.

Nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa ven biển (có hai mùa mưa nắng rõ rệt trong năm) rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp; nhiệt độ trung bình từ 24,9 – 28,5 °C; tổng lượng mưa bình quân trong năm đo được khoảng 1.900 mm.

Sông Hậu qua huyện là một trong hai nhánh chính của đoạn cuối sông Hậu phân cách bởi Cù Lao Dung, nhánh qua huyện có mặt rộng 1,5 – 2,5 km, sâu trên 10m. Các sông rạch chính: Rạch Trà Cú – Vàm Buôn dài khoảng 18 km, bắt nguồn từ sông Hậu nối thông với Rạch Trà Mềm qua cống Tập Sơn; Rạch Tổng Long dài khoảng 17 km bắt nguồn từ sông Hậu thông với kênh 3/2. Ngoài ra còn nhiều kênh rạch khác như: Kênh 3/2, kênh An Quảng Hữu, kênh Nguyễn Văn Pho, rạch Vàm Ray, rạch Bắc Trang, rạch Trà Mềm,...

Chế độ thủy triều: chịu ảnh hưởng chế độ bán nhật triều Biển Đông, trong ngày nước lên xuống hai lần, mỗi tháng có hai lần triều cường sau ngày mồng 01 và ngày 15 âm lịch(từ 2 – 3 ngày), biên độ triều hằng ngày rất lớn, nhất là khu vực gần cửa sông. Vùng đất phía Tây Quốc lộ 53 của huyện bị xâm nhập mặn vào mùa khô, chủ yếu từ sông Hậu như rạch Trà Cú, Tổng Long, Vàm Ray.

Với địa hình cập sông Hậu với chiều dài trên 20 km có tiếp giáp cửa biển Định An, thuận tiện cho phát triển nghề đánh bắt thủy sản và giao thông đường thủy.

Đất nông nghiệp; 31.261,7 ha, chiếm 84,51% diện tích tự nhiên gồm: đất trồng cây hàng năm 23.986,81 ha, chiếm 76,73% diện tích đất nông nghiệp(trong đó đất trồng lúa); đất trồng cây lâu năm 4.919,77 ha, chiếm 15,74% diện tích đất nông nghiệp; đất nuôi trồng thủy sản 2.355,12 ha, chiếm 7,53% diện tích đất nông nghiệp. Đất phi nông nghiệp 5.708,85 ha; đất chưa sử dụng 21,9 ha; sông rạch 3.043,24 ha.

Tài nguyên khoáng sản: theo khảo sát lập bản đồ địa chất khoáng sản đồng bằng Nam Bộ huyện có mỏ đất sét ở xã Phước Hưng với trữ lượng tương đối lớn, dân đã khai thác để làm gạch, nhưng gạch thường bị vênh và trọng lượng viên gạch nặng. Nhìn chung, sét có thành phần hóa học đạt so với yêu cầu, nhưng lượng cát ít, trong sét có nhiều Hydro-mica nên gạch dễ bị vênh khi nung.

Huyện Trà Cú có nguồn tài nguyên nước mặt và nước ngầm khá phong phú, trong đó nguồn nước mặt chủ yếu từ sông Hậu, rạch Trà Cú – Vàm Buôn, rạch Tổng Long… phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân.

Dân số (năm 2013)

Trà Cú là một huyện duyên hải thuộc tỉnh Trà Vinh. Huyện có đông đồng bào Khmer nhất tỉnh khoảng 111.607 người, chiếm 60% dân số so với dân số toàn huyện.

Dân số của huyện là khoảng 180.084 người, có mật độ dân số 487 người/km² với 44.852 hộ. Người dân chủ yếu sống ở nông thôn với dân số khoảng 168.283 người chiếm tỷ lệ gần 93% dân số của huyện.